Đất nước Hy Lạp – một trong những địa điểm nổi tiếng nhất thế giới được coi là xứ sở của những vị thần và nổi tiếng với nền văn minh lâu đời và giàu giá trị lịch sử. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn khám phá những điều thú vị và độc đáo về đất nước xinh đẹp này.
Bài viết bao gồm những đầu mục sau:
Từ thời Hy Lạp Cổ đại đã xuất hiện nhiều tộc người đến đây sinh sống ví dụ như người Êôliêng, Đôriêng, Akêăng,… Lúc đầu các tộc người này đều gọi theo tên riêng theo bộ lạc tổ tiên của mình nhưng dần tới thế kỉ VIII-VII TCN các tộc người đặt ra một tên chung là Helen (Hellenes) và gọi đất nước mình là Hella tức Hy Lạp. Ngày nay đất nước đã lấy tên chính thức là Cộng hòa Hy Lạp.
Lịch sử Hy Lạp cổ đại có thể chia thành những thời kỳ chính sau đây:
Thời kỳ văn hóa Cret-Myxen(Crete-Mycenae): Tại đảo Cret và Myxen, phía nam bán đảo Balkans người ta đã tìm thấy dấu tích của một nền văn minh tồn tại từ khoảng thế kỉ III TCN tới thế kỉ XII TCN. Ở nền văn hóa này phần lớn sinh sống và làm chủ là người Akêăng.
Nền văn hóa Cret-Myxen cho tới hiện nay vẫn còn để lại những dấu tích các cung điện, thành cổ và một số hiện vật bằng đồng thau. Vào cuối thế kỉ XII TCN, người Đôriêng mang theo những món vũ khí bằng sắt từ phương Bắc tràn xuống tấn công, người Akêăng không thể chống đỡ và các quốc gia của người Akêăng chính thức bị tiêu diệt. Thời kỳ Cret-Myxen chấm dứt.
Thời kỳ Homer (thế kỷ XI-IX TCN): các thế hệ sau biết về giai đoạn này chủ yếu qua hai tập sử thi của ông già mù Homer, nên đã lấy tên của ông để đặt cho giai đoạn này. Qua hai tập sử thi là iliat và Ôđixê, góp phần cho thấy xã hội Hy Lạp được miêu tả trong thời kỳ này là một xã hội nguyên thuỷ đang trên đường tan rã, dẫn đến xã hội có nhà nước đang hình thành.
Thời kì thành bang (thế kỉ VIII-IV TCN): đây là thời kỳ hàng trăm nhà nước nhỏ mà người ta gọi là các thành bang lần lượt hình thành ở Hy Lạp. Trong hàng trăm thành bang thời đó thì quan trọng nhất là Aten và Xpác. Rất nhiều thành bang ở Hy Lạp thời đó sống bằng nghề công thương nghiệp. Điều này tác động rất lớn tới sự phát triển của văn minh Hy Lạp.
Thế kỷ V TCN, những thành bang của Hy Lạp cũng đã phải chống trả trước sự xâm lược của đế quốc Ba Tư và họ đã giành chiến thắng. Nhưng vào cuối thế kỉ V TCN, đất nước Hy Lạp đã nổ ra một cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến này diễn ra gây ra tổn thất nghiêm trong và làm tất cả các thành bang suy yếu.
Tận dụng cơ hội đó, một thành bang ở phía bắc bán đảo Balkans là Makêđônia (Macedonia) đã khiến cho tất cả các thành bang khác phải khuất phục mình và cầm đầu thế giới Hy Lạp tấn công Ba Tư.
Thời kỳ Hy Lạp hoá (từ năm 337 tới 30 TCN): Sau khi đánh bại được đế quốc Ba Tư, quân đội của Hy Lạp đã mang văn hóa Hy Lạp truyền bá cho khắp vùng tây Á và Bắc Phi. Vì thế người ta đặt tên cho thời kì này là thời kỳ Hy Lạp hóa. Đến thế kỉ I TCN, đế quốc La Mã trên đà phát triển hùng mạnh đã nhanh chóng thôn tính các vùng đất quanh Địa Trung Hải và Hy Lạp cũng trở thành một phần của đế quốc La Mã.
Hy Lạp là một nước cộng hòa đi theo thể chế dân chủ đại diện. Trong đó tổng thống là người đứng đầu đất nước và được bầu bởi quốc hội theo nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau lần chỉnh sửa hiến pháp vào năm 1986, thì quyền lực của tổng thống đã bị giảm đáng kể và hiện tại hầu như chỉ mang tính hình thức. Thay vào đó thủ tướng sẽ là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chính yếu trong các công việc của quốc gia.
Quốc hội Hy Lạp tổng cộng có 300 ghế đại biểu. Các cuộc bầu cử của quốc hội thường được tổ chức 4 năm một lần tuy nhiên tổng thống vẫn có thẩm quyền giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Kể từ khi Hy Lạp trở về tiến trình dân chủ từ năm 1975, Hy Lạp dần trở thành một đất nước theo chế độ đa đảng. Đảng Dân chủ mới và Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp là hai đảng có vai trò quan trọng nhất trên chính trường Hy Lạp.
Tổng thống hiện nay của Hy Lạp là bà Katerina Sakellaropoulou (2020). Còn thủ tướng đương nhiệm là ông Kyriakos Mitsotakis (2019). Theo quy định của pháp luật, chỉ có 5 đảng sỡ hữu số phiếu bầu cao nhất mới có ghế trong quốc hội.
Trong quá khứ diện tích lãnh thổ của đất nước Hy Lạp cổ đại lớn hơn nước Hy Lạp ngày nay rất nhiều, bao gồm miền Nam bán đảo Balkans, các đảo trên biển Aegean và phía tây Tiểu Á. Phần trung tâm của Hy Lạp cổ đại nằm ở phía nam của bán đảo Ban căng.
Hiện nay đất nước Hy Lạp sở hữu diện tích lên tới 131.957 km2. Là một quốc gia nằm ở phía nam bán đảo Balkans đất nước này có đường bờ biển lớn nhất châu Âu (13,676km) với nhiều hòn đảo. Tuy Hy Lạp sỡ hữu đến 2.000 hòn đảo nhưng chỉ có tổng cộng vỏn vẹn 168 người sinh sống.
Hai phần ba diện tích lãnh thổ được bao phủ bởi những ngọn núi. Đỉnh Olympus được xem là đỉnh núi cao nhất ở Hy Lạp, với độ cao 2917m. Đất nước này sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp dầu mỏ phong phú như là: magnetite, lignite, bauxite, thủy điện và đá cẩm thạch. Sự hình thành vị trí địa lý của Hy Lạp hiện nay được xem là minh chứng đánh dấu sự phát triển của nhiều nền văn minh qua các thời đại.
Các điểm đặc biệt của địa lý Hy Lạp còn góp phần hình thành một môi trường tự nhiên đặc biệt không kém. Hy Lạp còn có sự đa dạng phong phú về hệ thực vật, động vật và một số loài có chỉ nguồn gốc ở đất nước này, đồng nghĩa với việc chúng chỉ được tìm thấy duy nhất ở Hy Lạp trên thế giới. Những loài quý hiếm này có thể được tìm thấy trong rừng, sông, hồ, hang động ngầm và các hẻm núi.
Đất nước Hy Lạp bao gồm các khu vực sau: Epirus (tây bắc), Peloponnese, Tétaly (phía đông trung tâm), Sterea (Trung Hy Lạp) , Macedonia (phía bắc) và Thrace (tây bắc). Bên cạnh đó, Hy Lạp còn sở hữu nhiều hòn đảo và quần đảo: đảo, đảo Cyclades, Ionia, Dodecan, Saronic, Sporades và các đảo Đông Aegean.
Peloponnese được xem là khu vực phổ biến nhất của đất nước Hy Lạp. Nó nằm ở phía nam của Hy Lạp và có phần giống như một hòn đảo kết nối với đất liền với hai cây cầu: cây cầu cáp của Rio-Antirrio và cây cầu ở kênh Corinth. Hòn đảo còn bị chia cắt bởi những ngọn núi cao trải dài về phía nam tới một cảnh quan của đồng bằng phì nhiêu, cánh rừng thông cao nguyên và vùng chân đồi hiểm trở.
Có hơn 2.000 hòn đảo Hy Lạp lớn và nhỏ nằm rải rác ở biển Aegean và Ionia. Hầu hết các đảo đều nằm ở Aegean giữa đại lục và Thổ Nhĩ Kỳ. Hòn đảo lớn nhất của Hy Lạp là đảo Crete và lớn thứ hai là Evia. Một số hòn đảo nổi tiếng nhất là Santorini, Mykonos, Rhodes, Crete, Zakynthos và Corfu.
Thủ đô của Hy Lạp là Athens thuộc tỉnh Attica, nằm ở trung tâm vùng lãnh thổ Hy Lạp. Attica có thể thực sự xem là một bán đảo được bao quanh bằng bốn ngọn núi cao tạo một lưu vực. Thành phố và vùng ngoại ô của Athens đã được tạo ra bên trong lưu vực này.
Điểm cực nam của Attica là Cape Sounion, ở đó có một ngôi đền cổ dành riêng cho thần Poseidon. Theo truyền thuyết, vua Aegeus rơi từ Cape Sounion xuống và bị chết đuối, khi anh ta cho rằng đứa con trai độc nhất của mình là Theseus đã bị Minotaur giết ở đảo Crete. Ở phía tây của bán đảo Attica bị chia cắt bởi bán đảo Peloponnese với Kênh Corinth, một công trình nhân tạo được hoàn thành vào năm 1893.
Giống như phần còn lại của đất nước, thủ đô Athens cũng được tạo ra trên nền văn minh cổ điển dựa trên những thiết kế của một số triết gia, nhà tư tưởng và nhà thơ vĩ đại nhất thế giới.
Do có địa hình đặc biệt nên khí hậu của Hy Lạp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Điển hình như sườn phía tây của dãy núi Pinlus phải hứng gió nhiều hơn so với phần phía đông, khiến cho độ ẩm và lượng mưa cao hơn hẳn so với phần sườn phía đông bị khuất gió.
Đất nước Hy Lạp còn được đánh giá là một trong những nơi có nhiều nắng nhất thế giới với hơn 300 ngày nắng mỗi năm. Khí hậu ở Hy Lạp được chia thành 3 kiểu khí hậu chính: khí hậu núi cao, khí hậu Địa Trung Hải và khí hậu ôn hòa.
Khí hậu Địa Trung Hải là loại khí hậu chủ yếu ở Hy Lạp với một mùa đông mưa nhiều nhưng ấm áp, song thỉnh thoảng cũng có thể xuất hiện tuyết rơi ở những quần đảo xa phía nam Hy Lạp. Mùa hạ thì thường nóng và khô hạn. Chính đặc điểm này của khí hậu Địa Trung Hải đã gây ra không ít những vụ cháy rừng rất lớn tại Hy Lạp, gây nhiều tổn thất về người và của. Gần đây nhất là vào tháng 8 năm 2007, một vụ cháy rừng lớn đã lan rộng khắp đất nước Hy Lạp khiến 64 người thiệt mạng và gây thiệt hại 1,6 tỷ USD.
Trong khi đó khí hậu núi cao phần lớn phân bố ở những vùng núi phía tây bắc Hy Lạp, bán đảo Peloponnese và dãy núi Pinlus. Ở những vùng này, khí hậu thay đổi tùy theo độ cao. Khí hậu ôn hòa thì thường chỉ tập trung ở vùng đông bắc Hy Lạp nhưng lại có nhiệt độ mát mẻ hơn khí hậu Địa Trung Hải và có lượng mưa tương đối vừa phải.
Thủ đô Athens của Hy Lạp thuộc kiểu khí hậu đặc biệt, chuyển tiếp giữa Địa Trung Hải và ôn hòa. Nhiệt độ trung bình cao nhất ở thủ đô vào tầm tháng 7 là 33,5 °C, còn nhiệt độ trung bình thấp nhất được ghi nhận vào tháng 1 là 5,2 °C. Cụ thể phía bắc của thành phố Athens có kiểu khí hậu ôn hòa trong khi trong khi đó vùng phía nam lại mang khí hậu Địa Trung Hải.
Dân số tại đất nước Hy Lạp là 10.313.416 người (trích theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc ngày 22/7/2022 ) trong đó chiếm tới 98% là người dân tộc Hy Lạp. Đây là một trong số ít nước hiếm hoi trên thế giới không bị pha trộn bởi nhiều dân tộc khác nhau
Dân số Hy Lạp hiện đang chiếm tỷ lệ 0,13% dân số thế giới. Hy Lạp đang là nước đứng thứ 87 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số hiện nay của Hy Lạp là 80 người/km2. Dựa trên tổng diện tích đất là 128.919 km2; 80,04% dân số (8.321.300 người vào năm 2019) sống ở vùng thành thị.
Độ tuổi trung bình ở Hy Lạp theo WHO 2013 là 79,52 tuổi
Hy Lạp là một quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt bậc. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hy Lạp đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 7% trong giai đoạn 1950-1973. Càng về sau, với những chính sách cải cách kinh tế phù hợp cùng với việc gia nhập Liên minh châu Âu đã thúc đẩy nền kinh tế Hy Lạp phát triển vượt bậc, đồng thời nâng cao mức sống cho người dân Hy Lạp.
Các ngành kinh tế Hy Lạp chính yếu:
Ngành dịch vụ chiếm một tỉ trọng lớn không kém phần quan trọng trong nền kinh tế Hy Lạp. Trong số các ngành dịch vụ, Hy Lạp đặc biệt tập trung phát triển ngành du lịch, vốn là thế mạnh của nước này từ lâu với rất nhiều khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không kém phần hùng vĩ và các công trình văn hóa độc đáo mang đậm tính lịch sử.
Du lịch được xem là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Hy Lạp khi đóng góp tới 15% GDP của quốc gia, đồng thời góp phần tạo ra nhiều việc làm lớn cho người dân Hy Lạp. Theo đó, vào năm 2005, Hy Lạp ghi nhận đón tiếp khoảng 18 triệu du khách quốc tế đến tham quan.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác như tài chính, ngân hàng, viễn thông, sản xuất các thiết bị công nghệ cao cũng được phát triển mạnh tại Hy Lạp. Nước này cũng có lợi thế về kinh tế biển do sở hữu rất nhiều cảng nước sâu và một ngành công nghiệp đóng tàu hùng mạnh.
Ngoài ra, còn có các ngành công nghiệp quan trọng khác ở Hy Lạp là hóa chất, dệt, khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm. Nông nghiệp tuy chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Các loại cây trồng chủ yếu ở Hy Lạp gồm: lúa mạch, hoa hướng dương, lúa mì, ô liu, cam, cà chua, chanh…
Cơ cấu kinh tế của Hy Lạp như sau: dịch vụ chiếm 85,0%, nông nghiệp 3,0% và công nghiệp 12,0%. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp đạt 4,3%, cao hơn so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Hy Lạp là 20,570 USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hy Lạp bao gồm: hàng chế tạo, thực phẩm, hóa chất, dầu mỏ và vải vóc. Những thị trường xuất khẩu chính của nước này bao gồm Ý (10,3%), Đức (13,2%), Vương quốc Liên hiệp Anh và Bulgaria (6,3%), Bắc Ireland (7,5%) và Mỹ (5,3%).
Nhập khẩu của Hy Lạp vào năm 2006 đạt khoảng 59,1 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu của Hy Lạp bao gồm máy móc, phương tiện vận tải, nhiên liệu và hóa chất. Các thị trường nhập khẩu chính của nước này là Ý (12,8%), Đức (13,3%), Hà Lan (5,5%), Pháp (6,4%) và Nga (5,5%).
Đồng tiền chính thức của Hy Lạp là đồng euro.
Đất nước Hy Lạp có tới 98% dân số nói tiếng Hy Lạp, đây được xem là ngôn ngữ chính thức của đất nước. Ngoài ra, ngôn ngữ thiểu số được sử dụng phổ biến nhất là tiếng Macedonia, được sử dụng bởi 1,8% dân số. Còn một số ngôn ngữ ít thông dụng khác bao gồm tiếng Albania, được sử dụng phổ biến ở trung tâm và phía nam; tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, được sử dụng bởi các cộng đồng Hồi giáo xung quanh Aegean, Bulgaria và Arumanian.
Ở đất nước Hy Lạp có tới 97% dân số theo đạo Chính thống Hy Lạp (hay còn gọi là Chính thống giáo Hy Lạp), tuy nhiên thực tế người dân vẫn hoàn toàn có quyền tự do tôn giáo. Chính thống giáo Hy Lạp là tôn giáo phổ biến nhất tại nước này, chiếm tới 97% tổng dân số và phân bố rộng khắp toàn đất nước Hy Lạp.
Hồi giáo là tôn giáo phổ biến thứ hai với số tín đồ ước tính từ khoảng 98.000 đến 140.000 người, tập trung chủ yếu ở tỉnh Thrace. Bên cạnh đó còn có cộng đồng người Hồi giáo nhập cư vào khoảng 200.000 đến 300.000 người. Cộng đồng Công giáo Rôma tại Hy Lạp có số tín đồ ước tính khoảng 250.000 người.
Còn đạo Tin Lành và Nhân Chứng Giê-hô-va đều có khoảng 30.000 tín đồ. Cộng đồng theo Do Thái giáo trước kia rất đông tại Hy Lạp, nay chỉ còn 5.000 người và phân bố chủ yếu ở Thessaloniki.
Hy Lạp là một đất nước giàu văn hóa và phong tục tập quán, đặc biệt đến cả thói quen giao tiếp ứng xử ở đây cũng mang một nét rất riêng. Được biết, người Hy Lạp được xem là có tính cách khá phức tạp, vì do bao năm trời phải sống dưới ách thống trị, đàn áp của người La Mã, người Pháp, người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy thế, điểm nổi bật của người Hy Lạp là không quá chú trọng vật chất, họ đề cao tình cảm con người và giá trị gia đình, thích tìm kiếm sự lý tưởng, và họ cũng rất thực dụng khi giải quyết các tranh chấp hay vấn đề có liên quan đến tiền bạc.
Hy Lạp được xem là một đất nước giàu truyền thống về thể thao. Đây là nơi đầu tiên ra đời của Thế vận hội vào năm 776 trước Công nguyên. Hai môn thể thao phổ biến nhất có thể kể đến là bóng đá và bóng rổ. Ngoài ra đội bóng rổ quốc gia Hy Lạp được xem là một trong những đội mạnh nhất thế giới. Đội tuyển bóng rổ Hy Lạp từng 2 lần giành chức vô địch châu Âu vào các năm 1987 và 2005.
Ẩm thực Hy Lạp dẫu không thanh lịch hay tinh tế như những nước châu Âu khác nhưng dễ khiến thực khách say mê mà thưởng thức những món ăn ngon lành. Các món ăn ở đây vừa giá cả phải chăng lại còn vừa ngon đậm đà hương vị Địa Trung Hải với hải sản tươi rói, Souvlaki thơm lừng nóng bỏng, Salad Horiatiki lừng danh thế giới và khai vị bằng Saganaki phô mai béo ngậy tê lưỡi.
Ngoài ra, ẩm thực của Hy Lạp thường mang rất nhiều gia vị, hương vị và chính cái sự “đẫy đà” được bày trí rất thịnh soạn ấy thường làm cho các món ăn có một nét độc đáo riêng.
Với nhiều điểm nổi bật về đời sống nêu trên, Hy Lạp đã và đang là chốn dừng chân của nhiều người nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam bởi chính sách chỉ cần đầu tư 250.000 Euro vào bất động sản sẽ nhận ngay quyền thường trú nhân Hy Lạp. Từ năm 2013, khi chính phủ Hy Lạp triển khai chương trình nêu trên, đã có hơn 15.000 thẻ thường trú nhân được cấp cho đương đơn và người phụ thuộc.
Đánh giá