logo
banner-221

HOTLINE

0919654476

banner-3-124x350

Hy Lạp: Từ cuộc khủng hoảng nợ công chấn động toàn cầu đến nền kinh tế bừng sáng của châu Âu

Trong bối cảnh các cường quốc tại châu Âu như Đức, Pháp, Anh đang gặp nhiều khó khăn, Hy Lạp giờ đây đã trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất châu Âu, với tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện đáng kể. Du khách nước ngoài đến du lịch, các công ty đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư, xếp hạng tín nhiệm được nâng bậc, các ngân hàng cho vay trở lại,… đã mang lại lợi ích tổng thể cho nền kinh tế và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư lớn với thị trường Hy Lạp.

Từ cuộc khủng hoảng nợ công chấn động toàn cầu

kt_hl_2

kt_hl_3

Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp vào những năm 2010 là một trong những cuộc khủng hoảng đáng nhớ nhất đối với thị trường tài chính châu Âu nói riêng và thế giới nói chung ở thế kỉ 21. Nhen nhóm từ cuối những năm 2000 và đặc biệt trở nên trầm trọng từ năm 2009, cơn ác mộng của Hy Lạp bắt nguồn từ 5 nguyên nhân chính: đà suy giảm của tăng trưởng kinh tế và mức tiết kiệm trong nước thấp, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng và kéo dài triền miên, kỷ luật tài khóa lỏng lẻo, sự gia tăng nhanh chóng của nợ công, độ tin cậy trong số liệu thống kê kinh tế sụt giảm.

Cuộc khủng hoảng nợ đã phủ bóng đen bao trùm lên toàn nền kinh tế Hy Lạp. Bị hạ bậc tín dụng, lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng, Chính phủ và người dân phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” ngặt nghèo, tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm, là những tác động rõ nét mà cuộc khủng hoảng gây ra đối với một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt trong khu vực châu Âu trước đó.

Đến cuộc lội ngược dòng ngoạn mục

Tháng 8/2018, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp chấm dứt. Nguyên nhân giúp quốc gia này vượt qua cơn khủng hoảng chủ yếu đến từ nỗ lực của Chính phủ và người dân Hy Lạp trong suốt 8 năm thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu và sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ để nhận được sự hỗ trợ của các đối tác châu Âu thông qua các khoản vay, giảm nợ và 3 gói cứu trợ từ EU, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sau khi chính thức thoát khỏi gói cứu trợ cuối cùng bắt đầu từ năm 2015 và kéo dài 3 năm, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế S&P đã nâng mức dự báo triển vọng nợ công của Hy Lạp từ mức “ổn định” lên mức “tích cực”. Cơ quan này còn nhấn mạnh, các cải cách về chính sách thuế và môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho quốc gia ở lục địa già. Tỷ lệ thất nghiệp từ mức hơn 27% giảm đáng kể chỉ còn dưới 15% vào thời điểm đó. Bên cạnh đó, thỏa thuận gia hạn thêm 10 năm để thanh toán các khoản nợ công với các chủ nợ châu Âu đã giúp Hy Lạp không còn phụ thuộc vào các chương trình cứu trợ từ nước ngoài, hay nói cách khác quốc gia này đã có thể “tự đứng trên đôi chân của mình”.

Hồi sinh với những triển vọng kinh tế tích cực

Khép lại câu chuyện khủng hoảng nợ kéo dài hàng thập kỷ, giờ đây kinh tế Hy Lạp đang dần phục hồi và quốc gia này đang trở thành ngôi sao sáng của toàn nền kinh tế châu Âu. Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook report) mới được công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2024, vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 0.7% đến 1.2% của khu vực đồng tiền chung Euro. Ngoài ra, IMF cũng đưa ra nhiều dự báo lạc quan như tỷ lệ lạm phát của Hy Lạp sẽ giảm xuống mức 2.8% vào năm 2024, so với mức 3.3% ở khu vực đồng Euro. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến cũng giảm còn 9.3% trong năm 2024 (từ mức 10.8% năm 2023 và 12.4% năm 2021), và thâm hụt ngân sách cũng dự kiến giảm xuống còn 6% GDP (từ mức 6.9% GDP trong năm 2023).

Tờ Economist nhận định, Hy Lạp là nền kinh tế có hiệu suất hoạt động tốt nhất thế giới trong năm 2023, theo sau đó là Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Một trong những động lực thúc đẩy kinh tế lớn nhất của quốc gia này đến từ việc tăng xếp hạng tín nhiệm, giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tình hình kinh tế vĩ mô, và môi trường kinh doanh. Rất nhiều tập đoàn lớn đã kéo đến Hy Lạp như: Microsoft xây dựng ba trung tâm dữ liệu ở Athens với kỳ vọng đem lại lợi ích kinh tế trị giá 1 tỷ EUR; Pfizer xây dựng trung tâm nghiên cứu đổi mới và trung tâm hoạt động trị giá 650 triệu EUR ở thành phố Thessaloniki. Các công ty của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đang đưa ra các thỏa thuận về năng lượng tái tạo. Và các khoản đầu tư của JPMorgan, Meta, Cisco và các công ty đa quốc gia khác được dự đoán sẽ có tác động kinh tế trị giá hàng tỷ Euro cho Hy Lạp trong vài năm tới.

Một động lực quan trọng khác – ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ tạo đòn bẩy giúp nền kinh tế của “vùng đất của những vị thần” càng thêm khởi sắc. Trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, Hy Lạp đã ghi nhận 23 triệu lượt khách du lịch tới bằng đường hàng không và 9.5 triệu khách du lịch quốc tế theo đường bộ, tương ứng tăng 11.5% và 33.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp không khói được ước tính đóng góp 11.5% vào GDP của Hy Lạp, tương đương 24 tỷ EUR trong năm 2023 (theo số liệu của Viện Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch Hy Lạp – INSETE), từ đó thúc đẩy hoạt động xây dựng và tạo ra thêm nhiều việc làm mới. Du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy nền kinh tế Hy Lạp.

kt_hl_5Đảo Crete – hòn đảo thiên đường


kt_hl_4Santorini – khu nghỉ mát mùa hè nổi tiếng ở Hy Lạp


Theo số liệu từ Ngân hàng Hy Lạp, dòng vốn FDI (ròng) vào Hy Lạp trong năm 2022 đã vượt mốc 7.9 tỷ Euro, dòng vốn cao nhất kể từ năm 2002 đến nay. Kỷ lục này một lần nữa khẳng định xu hướng đi lên của nền kinh tế Hy Lạp cũng như những nỗ lực thành công của quốc gia này trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm trở lại đây. Theo nhiều số liệu nghiên cứu khảo sát, xu hướng đầu tư vào Hy Lạp sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới khi nhiều công ty có ý định thành lập hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại quốc gia này.

kt_hl_7Dòng vốn FDI ròng vào Hy Lạp giai đoạn 2012-2022 


Thị trường bất động sản sôi nổi với dòng vốn FDI kỷ lụckt_hl_6

Đáng chú ý, dòng vốn FDI “rót” vào lĩnh vực bất động sản tại Hy Lạp đạt mức kỷ lục 1.97 tỷ EUR trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử. Đặc biệt, chương trình Golden Visa Hy Lạp, cho phép nhà đầu tư và gia đình lấy quyền cư trú Hy Lạp, và tự do đi lại khối Schengen châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Hà Lan…), bằng cách mua bất động sản trị giá từ 250.000 EUR, càng thu hút thêm sự quan tâm của giới đầu tư thế giới đến với thị trường bất động sản sôi động tại Hy Lạp. 

Giá nhà ở tại Hy Lạp tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài và kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng. Hai quý đầu năm 2023 là thời điểm thị trường nhà đất Hy Lạp hoạt động tốt nhất trong suốt hai thập kỷ qua, khi ghi nhận mức tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. 


Đánh giá

banner-2-124x350
Copyrights © 2024 by VINACOHR